Toxic positivity
Tối qua tôi có đọc được một bài báo nói về Toxic positivity, dịch ra là Sự tích cực độc hại. Nghĩa là sao, hiểu một cách đơn giản là sự ám ảnh về việc lúc nào cũng cần suy nghĩ tích cực trong mọi trường hợp trong cuộc sống, dù nó có đau khổ hay khó khăn đến mức nào, lúc nào cũng cần lạc quan, mỉm cười, luôn tỏ ra mình ổn để che giấu những đè nén, nỗi buồn bên trong. Tôi cá là tất cả chúng ta đều đã từng là người phải nhận lấy những lời nói mang năng lượng độc hại ấy từ những người xung quanh và hơn vậy, dù vô tình hay hữu ý, ta cũng có thể đã từng đem đến sự tích cực độc hại đó cho bạn bè, người thân, những người xung quanh mình.
Từ trước đến giờ, tôi vẫn nhận ra những cảm giác không hề thoải mái, thậm chí cảm xúc còn tệ hơn sau khi nhận được vài lời động viên từ ai đó mỗi khi kể chuyện gì đó không được vui. Từ lúc đó đến giờ bản thân vẫn chỉ lờ mờ hiểu rằng người ta không phải là mình, không thông cảm được và hiểu được tình huống của mình thì dĩ nhiên một vài ba câu "Không sao cả đâu, lạc quan lên đi", "Chỉ bị như vậy thôi vẫn là may mắn lắm rồi đó", "Tưởng có kinh nghiệm rồi mà vẫn mắc sai lầm thế à", "Bà mạnh mẽ mà, kệ mẹ nó đi nhé, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi"... có cũng được không có chẳng sao, dù gì cũng chẳng giúp ích được gì cho mình cả. Lúc nghe thì tâm trạng dĩ nhiên vẫn vậy, có khi còn bực thêm, nhưng mà rồi sau đó tôi vẫn tự thấy mình cũng tự quên hết những cảm xúc không thoải mái đó đi, có lẽ vì cái bộ não hay quên của chính tôi tự đào thải đi những thứ vụn vặt làm tụt cảm xúc, chứ không phải nhờ những lời khuyên kia.
Tối qua đã nằm mãi mới ngủ được vì cái bài báo đó, hoá ra thứ năng lượng kia có tên gọi khoa học hẳn hoi và còn được nghiên cứu tỉ mỉ về sự ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống con người. Giống như kiểu một cái thứ trừu tượng nào đấy nó trừu tượng đến mức không thể trừu tượng được nữa cũng có tên để mà gọi, chẳng hạn người ta dùng Pet peeve để chỉ những điều trong cuộc sống rất nhỏ thôi cũng làm bản thân thấy khó chịu (nhưng có thể không làm người khác khó chịu) mà chính tôi thì cực nhiều pet peeve luôn ấy 🤣
Trở lại với cái Toxic positivity kia, tôi đã nằm suy nghĩ mình từng trải qua nó như thế nào. Rồi tự thấy thật tệ khi biết rằng đã để bản thân phải chịu đựng những nguồn năng lượng ấy. Thực ra đa số những lời động viên của người khác xuất phát từ mục đích tốt vì có người không biết phải nói gì, họ không giỏi an ủi, không giỏi biểu đạt từ ngữ, không giỏi chia sẻ cảm xúc và sự đồng cảm. Song, có những người khác, dù không mang động cơ xấu, nhưng họ chưa trải qua tình huống của chính mình, không hiểu hoặc đôi khi không muốn hiểu, vẫn tự đưa ra những động viên sáo rỗng hay triết lý, những bài học, câu chuyện của chính bản thân họ thay vì lắng nghe câu chuyện của mình. Và tôi phát hiện ra, điều đáng sợ nhất là những người đó còn cố hạ thấp độ nghiêm trọng của vấn đề mà mình đang phải đối mặt, tôi đã từng trải qua điều này, cho đến giờ cũng không nhớ mình đã vượt qua nó như thế nào, nhưng điều may mắn là tôi vẫn sống tốt, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều những gì hồi đó tôi nghĩ tôi sẽ đạt được.
Ai cũng là con người thôi mà, buồn thì khóc, mệt mỏi thì cứ than, con người muốn tồn tại và phát triển thì cần phải có cảm xúc. Mới hôm trước một người bạn nói với tôi về bộ phim hoạt hình Inside Out mà nó rất thích, tôi cũng nhớ lại về bộ phim đó, cô bé Riley với 5 sắc thái cảm xúc: Vui vẻ, Buồn bã, Sợ hãi, Tức giận và Chán ghét, cảm xúc nào cũng không thể thiếu, không thể bị tước đoạt ra khỏi một con người. Nếu chúng ta tìm cách quá thiên về một cảm xúc này mà đè nén cảm xúc kia thì không những cảm xúc chúng ta không được cải thiện mà sẽ còn gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến cuộc sống của mình, của cả những người xung quanh mình.
Một bất hạnh lớn nhất của xã hội hiện đại nằm ở việc chúng ta hay bị đóng khuôn trong suy nghĩa con người cần phải hạnh phúc, và hạnh phúc đồng nghĩa với việc phải luôn vui vẻ. Việc hướng con người khao khát hạnh phúc thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sản xuất kinh tế, nhưng nó cũng khiến con người thiếu sót. Hãy nghĩ đến một thế giới thiếu mất nỗi buồn. Có lẽ đó sẽ là nơi không có thơ Haiku trầm mặc, không có nhạc giao hưởng của Beethoven, cũng không có những bộ phim với cái kết bi kịch nhưng ghim sâu cảm xúc trong lòng. Chúng ta sẽ chẳng cảm thấy gì khi phải tạm biệt hay chia tay, và chúng ta cũng không biết rơi nước mắt. Một thế giới như vậy có thực sự hạnh phúc? Nỗi buồn nếu sử dụng đúng cách, cũng sẽ có giá trị không thua kém bắt cứ niềm vui nào.
Cần tránh Toxic positivity không? Có chứ, tránh mạnh luôn nhé, đừng lan toả thứ cảm xúc tiêu cực đó nếu chính mình không thật lòng hoặc không thể đồng cảm với câu chuyện của người đang kể. Đôi khi chỉ cần ngồi đấy nghe thôi, thể hiện rằng bạn thật lòng lắng nghe, luôn nghe và luôn quan tâm thế là đủ lắm rồi. Tôi chợt nghĩ, nếu có ai dùng những lời tích cực "độc hại" đấy với tôi mà tôi vẫn sẵn sàng đón nhận, chỉ có thể là bố mẹ và anh trai mà thôi, những người yêu thương mình vô điều kiện, vừa yêu mà lại thương, ngoài kia có mấy ai yêu mà đạt đến mức "thương" bạn chưa?
Cuộc sống này ngắn ngủi, cứ sống thật với cảm xúc để thấy rằng mình đang được sống là chính mình, chả việc gì phải cố chịu đựng một cái gì hay cảm thấy tội lỗi với người khác khi mang một đám mây u ám trên đầu. Tôi không cổ xuý cho việc buông thả cảm xúc của bản thân, đôi khi cũng cần phải tế nhị mà điều chỉnh để cân bằng, còn đâu thì "Buồn thì cứ khóc đi” của Lynk Lee nhéee.
Nhận xét
Đăng nhận xét